Làm gì để Billiards Snooker không bị “đem con bỏ chợ”

10
Làm gì để Billiards Snooker không bị "đem con bỏ chợ"


Hiểu thêm về WNT và Matchroom

Nguyên nhân sâu xa khiến Liên đoàn Billiards Snooker Việt Nam bị đình chỉ hoạt động xuất phát từ giai đoạn cuối năm 2023. Đó là thời điểm giải Billiards quốc tế Hanoi Open được tổ chức. Giải đấu này diễn ra cùng lúc với Qatar Open, một giải Billiards quốc tế khác lên lịch từ trước.

Nhiều cơ thủ Việt Nam đã phải nhận án cấm thi đấu.

Đơn vị tổ chức Hanoi Open là WNT, còn Qatar Open là WPA. Xét về tính chính danh, WPA là đơn vị được Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cấp phép quản lý mảng Pool Billiards (Billiards lỗ). Cũng chính WPA là đơn vị quản lý Pool Billiards tại châu Á, thông qua Liên đoàn Billiards Snooker châu Á (ACBS), phía dưới có VBSF.

Trong khi đó, WNT được thành lập bởi một đơn vị tư nhân là Matchroom. Họ từng hợp tác với WPA trong một khoảng thời gian, cho đến khi xảy ra mâu thuẫn. Trước môn Billiards, Matchroom cũng gây không ít tranh cãi trong các môn thể thao chuyên nghiệp như Boxing, Snooker, Ném phi tiêu.

Một trong những công thức quen thuộc được Matchroom áp dụng với những môn thể thao họ có tham gia là “Hợp tác” – “Ly khai” – “Cạnh tranh không lành mạnh”. Ông chủ của Matchroom, Barry Hearn, là người rất giỏi trong việc nhìn thấy tiềm năng phát triển của một môn thể thao. Nhưng cuối cùng, những gì ông làm chỉ là để phục vụ tư lợi.

Matchroom đã thâu tóm thành công Snooker trước khi mở rộng sang Pool.

Trong môn Snooker, Barry Hearn đã đón đầu làn sóng khi đầu tư vào môn thể thao này ở thời điểm nó bắt đầu gây tiếng vang tại quốc tế. Matchroom hoàn tất việc thâu tóm mảng Snooker vào thời điểm Hearn được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Billiards Snooker Chuyên nghiệp Thế giới. Đây là đơn vị quản lý mảng Snooker và Billiards Anh ở cấp độ thế giới.

Bên cạnh Snooker và Pool, đế chế kinh doanh thể thao của Matchroom còn gặt hái thành công trong môn Boxing. Tuy nhiên, không phải mọi thương vụ kinh doanh của Matchroom đều có lãi. Hearn từng nhận một vố đau khi đầu tư vào đội bóng Leyton Orient. Ông mua CLB vào thời điểm ông chủ cũ của đội gặp khó khăn kinh tế ở nước ngoài.

Ban đầu, Hearn nghĩ Leyton Orient sẽ là một món hời. CLB này giàu truyền thống lịch sử, có nền tảng tốt, nhiều khán giả trung thành và có thể lên chơi ở Premier League. Tuy nhiên, Hearn không lường trước được những ông bầu bóng đá có nền tảng tài chính lớn hơn mình rất nhiều.

Leyton Orient, vì thế, không thể thăng hạng trong 20 năm. Ở mùa giải Hearn tất tay đầu tư cho mục tiêu lên chơi ở Championship (giải hạng Nhất), Leyton Orient không lọt được vào nhóm tranh vé vớt. Ngay sau đó, Hearn rao bán đội bóng này, để lại một CLB nợ đầm đìa đến mức suýt phá sản.

Câu chuyện của Barry Hearn cho thấy hai điểm. Thứ nhất, không phải mọi thương vụ Matchroom bỏ tiền vào đều thành công. Thứ hai, Matchroom có truyền thống “cắt ngọn” trong đầu tư thể thao, và họ thường rút lui rất nhanh khi thấy miếng bánh không còn hấp dẫn nữa. Đây là điểm cần suy nghĩ với thị trường kinh doanh thể thao Việt Nam.

Chuyên nghiệp, quần chúng và thành tích cao

Trong Luật Thể dục Thể thao hiện hành, ba khái niệm thể thao chuyên nghiệp, thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao đều được đề cập đến. Trong đó, thể thao chuyên nghiệp và thể thao thành tích cao có khái niệm tương đối mơ hồ, chưa tách biệt rõ ràng. Ngược lại, thể thao quần chúng lại có cách hiểu rất khác 2 khái niệm trên.

Các cơ thủ Việt Nam sẽ không ly khai khỏi WPA vì vẫn đang nhận lương nhà nước.

Một trong những điểm khác biệt cơ bản giữa thể thao quần chúng và 2 khái niệm còn lại chính là mục đích tập luyện. Theo đó, thể thao quần chúng hướng đến việc nâng cao sức khỏe của người chơi. Trong khi đó, thể thao thành tích cao hướng đến thành tích, kỷ lục; còn thể thao chuyên nghiệp hướng đến tiền thưởng, nơi VĐV, HLV coi đây là một nghề.

Trong thông báo phản hồi ACBS, Liên đoàn Billiards Snooker Hà Nội có nhiều lần nhắc đến cụm từ “giải thể thao quần chúng quốc tế” khi nói về Hanoi Open, giải đấu do đơn vị này hợp tác tổ chức cùng Matchroom. Tuy nhiên, khái niệm này chỉ đúng nếu Billiards được hiểu theo nghĩa là một môn thể thao quần chúng ở Việt Nam.

Trên thực tế, khái niệm “thể thao quần chúng” chỉ được gắn liền với Billiards trong những ngày gần đây. Trước đó, môn thể thao này luôn được quảng bá với cụm từ thể thao thành tích cao, hoặc thể thao chuyên nghiệp. Câu hỏi ở đây được đặt ra là: Tại sao khái niệm về Billiards lại bị hiểu sai?

Cũng theo Luật Thể dục thể thao hiện hành, quyền cấp phép tổ chức, quản lý giải đấu cấp độ quốc gia và quốc tế được phân cấp theo từng khái niệm. Với thể thao chuyên nghiệp và thể thao thành tích cao, cơ quan cấp phép là liên đoàn thể thao quốc gia. Còn với giải thể thao quần chúng, đơn vị tổ chức chỉ cần xin phép UBND cấp tỉnh thành.

Đây chính là khoảng hở để khái niệm “giải thể thao quần chúng quốc tế” xuất hiện. Từ đó, Liên đoàn thể thao quốc gia, cụ thể là Liên đoàn Billiards Snooker Việt Nam, rơi vào cảnh “quýt làm cam chịu”. Ở góc độ đối nội, họ không kiểm soát được Liên đoàn Billiards Snooker Hà Nội tổ chức giải. Nhưng về mặt đối ngoại, VBSF lại phải chịu phạt.

Để làm rõ những tranh cãi gần đây, ta cần hiểu đúng một số điều. Thứ nhất, những giải Billiards Snooker cấp độ quốc gia, cũng như quốc tế tại Việt Nam là giải thể thao thành tích cao hay thể thao quần chúng? Thứ hai, nếu Billiards Snooker là môn thể thao quần chúng, tại sao nó nằm trong lịch thi đấu thể thao thành tích cao Việt Nam?

Để Billiards không bị “đem con bỏ chợ”

Trong quá khứ, Billiards là một trong những môn thể thao phát triển rất sớm theo hướng chuyên nghiệp ở Việt Nam. Khoảng thời gian 2002-2003 chứng kiến Việt Nam là một trong những điểm đến của chuỗi giải 9 bi châu Á do WPA tổ chức. Nhưng khi ấy, giải đấu này dựa quá nhiều vào một nhà tài trợ, nên cũng lụi tàn khi doanh nghiệp đó rút lui.

Chuỗi giải 9 bi châu Á của WPA chỉ thực sự hồi sinh trong vài năm gần đây. WPA cũng đầu tư một cách căn cơ, cẩn thận hơn. Bài học trong quá khứ khiến họ nhận thức rõ hơn ai hết một sự thật: Không thể trông chờ vào túi tiền của một vài nhà tài trợ. Nếu không, câu chuyện cũ sẽ tái hiện.

Chuyện tranh cãi giữa WPA và WNT, hay lệnh cấm ACBS áp đặt lên Billiards Việt Nam chỉ là phát súng mở đầu. Bất chấp mọi thứ có thể xảy ra trong tương lai, WPA và ACBS vẫn sẽ nắm giữ mảng Billiards lỗ ở cấp độ thể thao thành tích cao. Những ai chuyển sang thi đấu cho WNT và Matchroom phải chấp nhận rời bỏ sân chơi thành tích cao.

Billiards Việt Nam cần được quản lý chặt chẽ để không rơi vào cảnh “quýt làm cam chịu”.

Trong câu chuyện của Billiards Việt Nam, bản chất tranh cãi xuất phát từ việc nhiều cơ thủ vẫn muốn tham dự cả 2 chuỗi giải cùng lúc. Tham dự WNT của Matchroom đồng nghĩa với cơ hội nhận tiền thưởng lớn hơn khi thi đấu quốc tế. Ngược lại, việc thi đấu trong nước (gắn bó với WPA trên danh nghĩa) giúp họ có thu nhập ổn định, lâu dài.

Phần lớn các cơ thủ Việt Nam hiện vẫn là người ăn lương nhà nước. Họ ký hợp đồng theo từng năm với Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT của các tỉnh thành, nhận mức lương hàng tháng vào khoảng 10-12 triệu đồng. Số tiền này không quá cao, nhưng là điểm tựa để mọi cơ thủ chắp cánh bay xa. Nhưng có đi có lại, VĐV đã nhận lương thì phải cống hiến.

Chúng ta không phủ nhận việc gắn bó với Matchroom, cũng như tham gia các giải thuộc hệ thống WNT sẽ giúp cơ thủ Việt Nam có cơ hội kiếm nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, chỉ có rất ít người trong số đó thành công. Số còn lại chắc chắn phải tìm kế sinh nhai giữa vô vàn khó khăn của cuộc sống. Đây cũng là lý do khiến cơ thủ Việt Nam án binh bất động.

Hơn lúc nào hết, Billiards Việt Nam (và nhiều môn thể thao khác) cần tham khảo mô hình phát triển của bóng đá. Không ai có thể phủ nhận bóng đá đang là môn thể thao đầu tư bài bản, chuyên nghiệp nhất tại Việt Nam; nhưng vẫn đảm bảo mô hình phát triển cân bằng của thể thao thành tích cao.

Vì sao các giải Billiards cần được quản lý?

Từ câu chuyện VBSF bị ACBS đình chỉ hoạt động, cũng như hàng loạt cơ thủ Việt Nam bị cấm thi đấu, ta có thể thấy một sự thật ở Việt Nam, đó là, liên đoàn thể thao quốc gia có rất ít quyền hạn trong việc quản lý, giám sát các giải thể thao cấp quốc gia và quốc tế. Điều đó cũng tồn tại ở các môn thể thao khác ngoài Billiards.

Trước thềm SEA Games 31 tại Việt Nam cũng là khoảng thời gian Tổng cục Thể dục thể thao chuẩn bị tinh gọn bộ máy, rút xuống thành Cục Thể dục thể thao. Trong khoảng thời gian 2 tháng, các cán bộ đầu ngành đã tổ chức một cuộc họp được ví như “Hội nghị Diên Hồng”. Đây là nơi chứng kiến ngóp ý, trao đổi của các Liên đoàn, Hiệp hội với Cục TDTT.

Điều đáng tiếc là sau khi Tổng cục TDTT rút xuống thành Cục TDTT, các Liên đoàn thể thao quốc gia vẫn chưa được bảo vệ đúng mức. Điều này là một hiện tượng bất thường, đặc biệt trong môn Billiards, bởi VBSF được đánh giá là đơn vị có mối quan hệ tương đối chặt chẽ với Cục TDTT trong hoạt động ở cấp độ quốc gia, cũng như quốc tế.

Nếu những quy định hiện hành trong mô hình quản lý, tổ chức giải thể thao quốc tế không được phân rõ ràng cho Liên đoàn Thể thao quốc gia, tình trạng “quýt làm cam chịu” sẽ tiếp tục diễn ra. Đó cũng có thể là dấu chấm hết cho Billiards Việt Nam ở sân chơi thành tích cao, nơi bộ môn này vẫn xuất hiện ở SEA Games và ASIAD 2030.



Source link : https://amp.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/lam-gi-de-billiards-snooker-khong-bi-dem-con-bo-cho-i739761/

Author :

Publish date : 2024-08-07 03:45:55

Copyright for syndicated content belongs to the linked Source.